CHÁNH KIẾN TRONG ĐỜI SỐNG

Người đẹp và người xấu

Tấm gương có thể phản chiếu dung nhan của mọi người, tấm gương càng sạch sẽ thì có thể phản chiếu diện mạo càng chân thật.

Người đẹp không sợ soi gương, tấm gương có thể giúp người đó tìm được thiếu sót của mình, do đó càng đẹp hơn.

Người xấu sợ soi gương. Người đó không muốn chấp nhận sự thật là mình xấu, thậm chí nổi cáu muốn đập nát tấm gương, cũng đập vỡ cơ hội có thể giúp mình trở nên xinh đẹp hơn.

Còn vẻ đẹp thật sự, chính là một nội tâm thuần thiết, lương thiện và bao dung; cái xấu thật sự, là ích kỷ, tham lam và điều ác biểu hiện ra bên ngoài.

Chân lý làm sao có thể chỉ như một tấm gương, nó không thể bị người ác làm bẩn, nhưng trái lại có thể làm sạch mọi vết nhơ.

Trước chân lý, không sợ bạn xấu thế nào, chỉ sợ bạn không muốn chấp nhận mình xấu. Còn thái độ đối với chân lý, không phải do cái “xấu” và “đẹp” của mỗi người mà quyết định hay sao?

 

Hương thơm thuần khiết của thời gian

Giữa người với người, liệu có thể hoàn toàn dùng chân thành mà đối đãi? Một tâm tinh khiết trong sáng, không một tạp chất, chỉ có hồn nhiên, hiền lành, phảng phất đặt mình dưới bầu trời trong xanh mây trắng, chỗ đó có ánh nắng ôn hòa, hương hoa ấm áp.

Tôi biết ba đứa bé, dáng người cao cao gọi là Mã Khả, mập mạp là Thước Thước, gầy teo là Dũng Dũng. Nhà của chúng ở rất gần, từ nhỏ đến lớn, chúng cùng đi học, cùng một chỗ tan học, cho đến bây giờ chúng đã trở thành học sinh của tôi, chúng tôi cùng vào lớp học, tan học cùng nhau chơi đùa.

Thước Thước và Dũng Dũng hoạt bát hiếu động, “lẩm nhẩm” luôn miệng không ngừng, Mã Khả lại như một tiểu cô nương điềm đạm nho nhã, khi bọn nhỏ lớn tiếng mời tôi: “Thầy ơi, chiều nay chúng ta đi leo núi đi!” Hoặc là: “Thầy ơi, chúng ta ra bờ sông nhặt đá nhé!” Mã Khả luôn không rên một tiếng đứng ở một nơi nào đó, đến khi nghe thấy tôi đồng ý rồi, nó mới vui vẻ nhếch miệng cười cười, im lặng rời đi.

Chúng tôi ở cùng một chỗ nhặt đá là chuyện vui vô cùng đối với bọn nhỏ, bầu trời xanh thẳm, khe núi yên tĩnh, chúng tôi từ tốn lượm những hòn đá, có viên đá có hoa văn tự nhiên, chỉ cần đánh bóng một chút, sẽ biến thành một bức họa thú vị. Lúc về nhà, chúng tôi mỗi người đều mang một túi thật nặng. Mã Khả càng thú vị, một ít hòn đá hơi lớn không chứa nổi trong túi áo, nó liền lấy quần áo bọc lấy. Những hòn đá này giống như châu báu kim cương, bất quá sau khi nhặt trở về, chúng tôi tùy ý ném chúng trong sân, ngày hôm sau liền quên mất đống châu báu này.

Nhưng bọn nhỏ vẫn đưa cho tôi một bảo bối khiến chúng kiêu ngạo: ba vỏ sò nhỏ. Đây là thành quả mà chúng cưỡi xe đạp xa hơn 20,3 km chọn lựa trên bãi cát tại bờ biển. Khi lũ trẻ đưa bảo bối tới, trong mắt tôi tràn đầy ngạc nhiên, bởi vì tôi còn chưa thấy qua những vỏ sò tinh xảo đáng yêu như vậy; chúng mỏng manh như đôi cánh bươm bướm, trơn bóng như trân châu, hiện lên màu trắng mờ mờ trong suốt.

Tôi lấy ba hạt trân châu đính vào bên trong vỏ sò, lại đục một cái lỗ, dùng sợi tơ xuyên qua làm thành một dây chuyền, ngay lúc đó lấy bút ghi lại: “Một ngày có ba đứa trẻ đến biển Đông tìm vật báu, được ba miếng bảo bối, đặc biệt chúc mừng, làm thành trang sức chứa trân châu.” Còn có hai câu thơ: “Sóng biển đãi cát mấy mùa thu, lặng chờ duyên tới đợi chủ thu.” Lũ trẻ đối với mấy điều này tỏ vẻ rất yêu thích, gật cái đầu nhỏ nói: “Không tệ, không tệ.”

Chúng tôi cứ như vậy từ quen biết đến ở chung, tuy thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi cùng nhau chia sẻ niềm vui, tựa như bạn bè cũ không câu nệ, không băn khoăn, tôi hy vọng có thể cho bọn nhỏ điều tốt nhất, cho nên thường trên lớp học, hoặc tại đồng ruộng, tôi muốn đem những lời tốt nhất nói cho lũ trẻ biết, lấy đạo lý tốt nhất giảng cho chúng, đó là đạo lý về “Chân”, về “Thiện”, về “Nhẫn”. Mỗi khi đến thời điểm này, là thời gian bọn nhỏ yên lặng nhất, bởi vì chúng tôi đã cảm nhận: “Chân-Thiện-Nhẫn” giống như một hạt giống vô cùng thần kỳ và đẹp đẽ, đem nó gieo vào trong tâm hồn, sẽ kết ra thứ trái cây tốt nhất, đẹp nhất.

Một buổi sáng mùa đông nọ, tôi gặm vài miếng bánh quy để đi làm sớm, Mã Khả nói: “Thầy ơi, thầy vì sao không ăn cơm nóng?” Tôi nói: “Có khi sẽ rất bận rộn con ạ.” Nó nghe xong, như có điều suy nghĩ rồi “Ah” một tiếng.

Ngày hôm sau, nó từ trong túi xách lấy ra một cái bình bằng nhựa plastic, Thước Thước xung phong nhận việc giới thiệu, trên thị trường bán sữa bò không cái nào không là đồ giả, thậm chí còn có độc; trong nhà Mã Khả có nuôi bò sữa, nó vì để thầy uống sữa bò tinh khiết, ngay cả mẹ nó cũng không yên tâm, nhất định phải tự tay mình chuẩn bị sữa bò cho thầy, sữa bò tinh khiết không chút giả mạo.

Suốt mùa đông kia, Mã Khả đã sớm rời giường, dùng bàn tay nhỏ bé của mình lấy sữa bò, sau đó bọn nhỏ đến trường lại đưa đến phòng học. Mỗi lần, tôi đều rất cẩn thận đem sữa bò đun sôi, sau đó đổi vào một ly thủy tinh, vì vậy tôi mới có thể trông thấy sữa không một tia tạp chất, rất nhanh hương thơm tỏa ra bốn phía, một loại hương vị thanh khiết phiêu đãng trong ánh mặt trời mùa đông, bên trong làn hơi mờ, nó tựa như một khối ngọc ấm khói bay, tan chảy vào lòng tôi.

Giữa người với người, thì ra có thể hoàn toàn dùng chân thành, một tâm chân thành tinh khiết trong sáng, không một giọt tạp chất, ở bên trong trái tim ấy, đong đầy “Chân”, đong đầy “Thiện”, cũng đong đầy “Nhẫn”, trái tim này có thể sinh ra một thế giới tốt đẹp nhất, cũng là một thế giới thoang thoảng hương thơm ôn hòa.

Một đồng tiền

Cuộc sống thời niên thiếu của tôi là một chuỗi ngày rất đặc biệt, trường học rất ít khi có lớp, nên phần lớn thời gian không phải đi chơi, thì là ngồi bên đường cái. Đám bạn con gái đều chơi nhảy dây, đánh bao cát, những trò chơi giản dị này là phần rất quan trọng trong cuộc sống của những đứa trẻ chúng tôi.

Có một lần, dây nhảy làm bằng xăm xe đạp chế da gân vì dùng lâu rồi mà bị hư mất. Tôi mong ước có thể mua được một dây làm bằng da gân thật để nhảy, nhưng không có tiền. Một ngày, thấy mẹ để hai đồng tiền trên bàn, sau khi do dự hồi lâu, cuối cùng tôi lấy hết dũng khí, “cầm” một đồng trong tay, ra khỏi phòng. Nắm chặt đồng tiền, tôi lo lắng đi lại trong sân, không biết xử lý sao mới tốt. Một đồng tiền lúc đó, đối với một đứa bé mà nói thì nhiều giống như có được một triệu, trong tưởng tượng có thể mua được rất nhiều da gân, giấy gói kẹo, giấy in hoa, dây điện đủ màu sặc sỡ, giống như vấn đề chi tiêu cả đời đều được giải quyết hết. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình giống như “triệu phú”, nhưng nỗi lo lắng lớn nhất sau niềm vui là bị cha mẹ phát hiện, lúc đó làm sao bây giờ? Trời sắp tối rồi biết giấu tiền chỗ nào cho an toàn đây? Tôi không tìm được biện pháp. Ngoại trừ mẹ, tôi còn lo lắng ông anh có cái mũi thám tử, anh ấy có thể “ngửi thấy được” tất cả những chuyện làm sai của tôi và những đồ vật nào tôi có, kết quả không phải bị tố cáo, thì là bị chia đồ, tôi nắm chặt đồng tiền trong tay mà vã mồ hôi.

Càng nghĩ càng bí bách, vì vậy, tôi dứt khoát giả bệnh, không ăn không uống trên giường để ngủ. Giấc ngủ một đêm này giống như đi đánh trận vậy. Tôi nằm mơ, thấy mình lúc là cảnh sát, lúc là ăn trộm, lúc đuổi lúc trốn, thật vất vả chờ đến trời sáng, đã doạ tôi đổ mồ hôi khắp người.

Lúc ăn điểm tâm, mẹ tôi dịu dàng hỏi tôi đã đỡ hơn chưa, sau đó lại tự hỏi: “Lạ thật, hôm qua rõ ràng để hai đồng tiền trên bàn, sao chỉ còn lại một đồng nhỉ?” Tôi nghe xong lời của mẹ, sợ mẹ nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng vì xấu hổ của tôi, không tự chủ mà giả bộ như khom lưng xuống cột dây giày, cúi người xuống mới nhận ra giày không có dây. Hành động của tôi bị ông anh mũi thính nhìn thấy, “Xem kìa, ‘nháy mắt một cái, gà mái thành vịt’ đó là tiết mục mới nhất của ảo thuật gia ‘Hồ Đắc Nhĩ’.” Anh ấy dùng luận điệu mà tôi ghét nhất, nhìn mặt mẹ, con mắt thì liếc xéo tôi mà nói. Tôi không nhịn được nữa, chạy vào phòng lấy đồng tiền giấu dưới gối, đưa cho mẹ, nói: “Mẹ ơi, con giúp mẹ tìm được đây.” Mẹ tôi vui mừng hỏi: “Ở đâu vậy?” Tôi chỉ đại một nơi, “Ở đó”. Sau đó mang theo cặp sách chạy bắn ra ngoài như một mũi tên, chỉ cảm thấy sau lưng như có hai ánh mắt như điện dõi theo.

Ngồi trên lề đường cái, nhớ lại trải nghiệm trong 16 giờ làm “triệu phú”, tôi cảm thấy vẫn dùng chiếc dây làm bằng xăm xe đạp là được rồi, không cần da gân nữa, tốt nhất là trong lòng thấy bình an là tốt lắm rồi. Lời mẹ thường dạy đi dạy lại, lúc này giống như được ghi âm, vang lên trong tai tôi, “Hãy làm đứa bé thành thật, lương thiện!”.

Câu chuyện thú vị lúc còn bé này cùng với lời dặn của mẹ, khắc thật sâu trong trí nhớ tôi. Sau khi trưởng thành, đoạn kinh nghiệm này thỉnh thoảng lại nhắc nhở tôi nếu dùng phương pháp không thành thật sẽ nhận được điều không nên nhận, lương tâm sẽ vĩnh viễn không bình an.

 

Cửa sổ tâm hồn: Hình phạt nặng nhất

Có một câu chuyện cổ kể về một người theo đạo Do Thái mà lại rất thích chơi gôn.

Vào một ngày Sabbath nọ [*], ông ta thèm được chơi gôn quá.

Nhưng tín ngưỡng Do Thái yêu cầu các tín đồ phải nghỉ ngơi vào ngày lễ Sabbath và họ không được phép làm bất cứ điều gì.

Nhưng người này không thể cưỡng lại được ham muốn mạnh mẽ của mình và quyết định lén ra sân gôn. Ông ta nghĩ rằng mình sẽ chỉ chơi một vài lỗ. Chỉ có thế thôi.

Vì hôm đó là ngày lễ Sabbath và không có người Do Thái nào đi ra ngoài, nên không có ai tại sân gôn. Vì vậy người này cảm thấy rằng sẽ không ai biết ông phạm luật.

Tuy nhiên, khi ông ta chơi đến lỗ thứ hai thì một thiên sứ nhìn thấy ông. Vị thiên sứ này rất giận và đi báo lại với Thượng Đế. Cô nói rằng có một người không tuân theo luật của đạo Do Thái và dám chơi gôn vào ngày Sabbath.

Thượng Đế nghe thiên sứ kể xong và nói với cô: “Thế thì ta sẽ phạt người này thật nghiêm khắc.”

Kể từ lỗ thứ ba, ông ta chơi còn tốt hơn cả hoàn hảo. Ông đánh tất cả bóng vào lỗ chỉ với một cú đánh. Người này rất cao hứng. Khi ông chơi đến lỗ thứ bảy, vị thiên sứ kia đến gặp Thượng Đế và hỏi: “Kính thưa Thượng Đế, chẳng phải Ngài định phạt ông ta sao? Vì sao con vẫn không nhìn thấy sự trừng phạt nào vậy?” Thượng Đế đáp: “Ta đã phạt ông ta rồi.”

Cho đến lỗ thứ chín thì mọi lỗ người kia đều đánh vào chỉ với một cú đánh.

Bởi vì ông ta đã chơi cực kỳ giỏi, giỏi hơn nhiều so với trình độ của mình, người này quyết định chơi một ván thứ hai gồm chín lỗ nữa.

Vị thiên sứ lại đến gặp Thượng Đế: “Sự trừng phạt đâu thưa Ngài?”

Thượng Đế chỉ mỉm cười và không nói gì.

Đến khi chơi xong 18 lỗ, điểm số của ông ta cao hơn bất kỳ vận động viên chơi gôn đẳng cấp quốc tế nào. Ông ta rất đỗi vui sướng.

Vị thiên sứ nổi giận và hỏi Thượng Đế: “Đây là sự trừng phạt mà Ngài dành cho ông ta sao?”

Lần này, Thượng Đế nói: “Đúng thế, đây quả thật là một hình phạt. Hãy nghĩ mà xem. Ông ta đã chơi một ván gôn phi thường và rất hứng khởi. Nhưng ông ta không thể kể nó với ai hết. Chẳng phải đó là hình phạt nặng nề nhất đối với ông ta hay sao?”

Tại sao Thượng Đế lại không để cho người ấy thất bại và chơi không tốt? Sự trừng phạt trong nội tâm con người còn tồi tệ hơn trên thân xác! Vì vậy hãy nghĩ về điều này. Tại sao bạn lại cảm thấy lo lắng hay bận tâm? Có thể đó là một hình phạt từ Thượng Đế.

Sự khác nhau giữa người cảm ơn và người oán hận

Một người trong tâm thường cảm ơn người khác và một người trong lòng tràn đầy oán hận với người khác thật quá khác nhau.

Khi tiếp nhận người khác, người cảm ơn sẽ tán thưởng ưu điểm của người đó, còn người oán hận sẽ bắt bẻ khuyết điểm của người khác.

Khi tiếp nhận ân huệ, người cảm ơn sẽ cảm động rơi nước mắt, còn người oán hận thì hiềm rằng chưa đủ.

Khi tiếp nhận xin lỗi, người cảm ơn sẽ tha thứ khoan dung, còn người oán hận sẽ khí hận đầy mình.

Khi tiếp nhận giúp đỡ, người cảm ơn sẽ cảm động và nhớ về công ơn của người khác, còn người oán hận chỉ biết phàn nàn người khác không đủ chu đáo.

Khi tiếp nhận lời khuyên, người cảm ơn sẽ cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của người khác, còn người oán hận sẽ hoài nghi người ta có ý đồ xấu.

Bên ngoài thì mỗi người đều sống trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng trên thực tế, mỗi người đều sống bên trong thế giới nội tâm của mình. Khi mỗi người cùng tiếp nhận Phật Pháp từ bi phổ độ chúng sinh, tiếp nhận Phật Pháp thuyết giảng từ bi, người cảm ơn sẽ biết ơn và tận dụng mỗi một quan ải để tiến bộ không ngừng, còn người oán hận khi gặp một quan ải sẽ không ngừng oán trách và cứ thế tạo nghiệp càng nặng, sa đọa càng sâu.

Người cảm ơn mang lòng trung nghĩa, giống như một khối nguyên liệu tốt, khi dùng có thể uốn nắn thành khối vuông khối tròn.

Người oán hận ôm lòng gian trá phản nghịch, ngay cả đem làm khối bán thành phẩm cũng không đủ tư cách, khi dùng thì phần nhiều là bại sự hư hỏng.

 

Món quà

Người hàng xóm ngay cạnh nhà tôi là một phụ nữ lớn tuổi. Bà ấy hiếm khi ra ngoài trừ khi đi chợ để mua hàng hóa. Mặc dù là hàng xóm nhưng chúng tôi không liên lạc với nhau. Tôi chỉ biết bà ấy là một phụ nữ cô độc và không biết gì về bà cả.

Người phụ nữ lớn tuổi có vẻ như không nói nhiều lắm. Thỉnh thoảng tôi có gặp bà ấy trong hành lang của tòa nhà. Khi tôi chào bà, bà chỉ trả lời tôi một cách nhẹ nhàng. Bà ấy có vẻ như không có bạn bè và hiếm khi có khách. Mỗi lần tôi đi ngang qua nhà bà, tôi không thể không nghĩ rằng có thể là một thế giới lạnh lẽo và cô đơn ở bên trong đó.

Khi năm mới đến, tôi đến một khu mua sắm để mua quà cho gia đình. Một chiếc khăn len lôi cuốn sự chú ý của tôi. Tôi sờ vào và nhẹ nhàng vuốt ve chiếc khăn len tối màu với kiểu dáng rất đẹp. Chất liệu của nó rất mềm mại. Tôi nghĩ nó sẽ mang đến cho người mặc cảm giác ấm cúng. Tôi có một ý nghĩ thôi thúc. Tại sao không mua nó cho người phụ nữ cô đơn bên cạnh?

Khi mang chiếc khăn sang nhà bà ấy, tôi cảm thấy có chút gì đó không dễ dàng. Liệu bà ấy có nhận món quà của tôi không? Tôi gõ cửa nhẹ nhàng. Khi bà ấy mở cửa và nhìn thấy tôi, bà có vẻ giật mình. Với một chút do dự, tôi cầm chiếc khăn trên tay, kéo dài ra và nói: “Đây là của ai đó nhờ tôi đưa cho bà. Cô ấy mong bà có một năm mới hạnh phúc”. Bà ấy nhìn món quà từ một người lạ và từ chối nhận nó. Tôi đặt chiếc khăn vào tay bà và cảm thấy bàn tay bà run nhẹ.

Ngày hôm sau, tôi nhìn thấy bà ấy khi tôi ra cửa hàng tạp hóa. Bà đứng trong một ngôi nhà một tầng và đang nói chuyện với một người phụ nữ. Người phụ nữ xách một cái túi nhựa đầy trái cây trên một tay và một tay dắt một đứa bé ba tuổi. Tôi nhìn thấy một thứ gì đó rất quen thuộc. Khi tôi nhìn kỹ, tôi thấy chiếc khăn mà đứa bé đang quàng là cái mà tôi đã tặng cho người phụ nữ già. Khi người phụ nữ lớn tuổi nói chuyện xong với người nữ kia, bà ấy quay lại và nhìn thấy tôi. Bà giật mình, đi về phía tôi và nói một cách nhẹ nhàng: “Tôi cảm ơn cô đã tặng tôi chiếc khăn và tôi rất thích nó. Nhưng gia đình người phụ nữ này rất nghèo. Tôi nghĩ họ cần món quà đó hơn tôi”. Lúc đó, tôi có một cảm giác xúc động không thể tả được.

Ai đó đã nói rằng tình yêu chứa những hạt giống của hạnh phúc. Chúng ta không chỉ cần thu thập mà còn phải gieo chúng. Khi sự ấm áp của đôi tay chúng ta mang tình yêu và hy vọng đến cho người khác, thì đến lượt chúng ta cũng sẽ có được một thế giới ấm áp và đầy yêu thương.

Khi ta buông bỏ

Tháng 8 năm nay, anh Huang có đến thăm tôi. Anh nói anh đang tính chuyện bán nhà máy mà anh được thừa kế từ người chú của mình. Tôi ngạc nhiên lắm và hỏi anh tại sao lại có quyết định đột ngột vậy. Anh nói mệt quá và muốn nghỉ ngơi. Tôi đùa anh: “Anh mới 43 tuổi thôi mà đã muốn nghỉ hưu? Có sớm quá không vậy? Anh trả lời: “Ngày nào cũng phải đối mặt với đủ thứ chuyện trong công ty khiến tôi phát điên. Mà tôi cũng muốn đi một chuyến ra nước ngoài lần đầu tiên.” Khi đó, tôi chia sẻ với anh niềm vui và mơ ước rồi chúc anh may mắn.

Hôm qua anh Huang mời tôi ra ngoài ăn tối và nói anh đã bán nhà máy rồi. Tôi chúc mừng anh và hỏi: “Thế anh định đi đâu nào? Anh cần em giúp điều gì không?”

Anh liền nói mình sẽ không đi ra nước ngoài nữa. “Vậy anh sẽ hoàn thành công chuyện ở nhà à?” Tôi hỏi.

“Không, chuyện đó có khi phải để sau vì tôi có mấy người bạn muốn hợp tác và mở một công ty thương mại nhỏ,” anh kể.

Tôi trêu anh: “Thế chẳng phải là bình mới rượu cũ hay sao ?”

Anh Huang bảo: “Tôi sẽ có thời gian hoàn thành công việc của mình khi công ty vững vàng một chút.”

Tôi nói với anh: “Bây giờ anh nói anh sẽ có thời gian hoàn thành công việc khi công ty ổn định. Đến lúc, anh sẽ lại bảo, mình sẽ có thời gian sau khi công ty có chút thành tựu.

Anh cười toe toét và nói: “Đúng thế đấy. Vào cuộc rồi rút ra rất khó.”

Đôi lúc tôi nghĩ: “Con người thật đúng là tiến thoái lưỡng nan. Khi người ta bận, người ta chẳng đợi quá một giây để thoát khỏi môi trường bận bịu ấy. Thế nhưng, khi người ta có một chút thời gian thanh thản, người ta cũng chẳng biết trân quý nó. Đối mặt với danh lợi, người đó sẽ lại quay lại chốn cũ rồi lại bị ràng buộc lần nữa bởi danh và lợi.

Thực tế, khi người ta kiệt sức về mặt tinh thần thì nên dừng lại mọi chuyện đang làm và nghỉ ngơi. Có người nói: “Chẳng được bao lâu, sớm hay muộn thì anh cũng phải quay lại với thực tế thôi.” Thế nhưng, một cuộc điều tra cho thấy những người đi du lịch thường xuyên và nghỉ ngơi đều đặn làm việc hiệu quả hơn những ai làm việc nhiều giờ và không nghỉ ngơi, tuy nhiên cũng không tuyệt đối.

Tiền tài và quyền lực chẳng phải là của cải thực sự. Nếu người ta dựa vào nó quá nhiều thì rồi sẽ ngã thôi, chẳng khác gì khi đi trên những tảng đá trơn. Của cải thực sự chính là đức độ và khả năng dụng đức. Nếu một người có thể thay đổi suy nghĩ của mình, cuộc đời sẽ thay đổi ngay khi họ học được cách buông bỏ.

Bảo hiểm nhân thọ Thành Phố Đông Hà Tỉnh Quảng Trị